Trên thế giới, điện ảnh ở nhiều nước vẫn lấy người già làm nhân vật trung tâm trong phim ảnh thì ở Việt Nam nhiều năm qua, điều này vẫn bị bỏ ngỏ. Từ phim chiếu rạp đến phim truyền hình chủ yếu là về các cuộc chiến drama tình tiền, “con giáp thứ 13”… Thi thoảng có bộ phim xuất hiện hình ảnh người già, nhưng hầu như không có số phận, không có câu chuyện riêng mà chỉ là “hoa lá cành” tô điểm thêm cho các nhân vật trẻ. Vì được xây dựng không mấy ấn tượng nên họ dễ dàng bị khán giả lãng quên. Nhiều nghệ sĩ gạo cội lớn tuổi đã chia sẻ: chẳng bao giờ dám mơ đến vai chính ở tuổi này.

Tuy nhiên, khoảng 5 năm gần đây, câu chuyện đã thay đổi. Trong một số bộ phim ăn khách thời gian qua, nhân vật người già cũng được xây dựng hấp dẫn hơn cả về mặt tính cách, số phận, tâm lí…. Bà Nga (NS Thanh Quý) trong Thương Ngày Nắng Về, ông Sơn (NSND Trung Anh) trong Về Nhà Đi Con, ông Thành (NSND Bùi Bài Bình) trong Lối Nhỏ Vào Đời, bà Tình (NS Thanh Quý) trong Cuộc Đời Vẫn Đẹp Sao, ông Toại – bà Cúc (NSND Bùi Bài Bình và Lan Hương) trong Gia Đình Mình Vui Bất Thình Lình… đều tạo được dấu ấn rõ rệt, thậm chí trở thành những hình tượng ông bố, bà mẹ “quốc dân”, chiếm trọn tình yêu của khán giả.

Bộ phim Thông Gia Ngõ Hẹp cũng thu hút sự chú ý của khán giả với các nhân vật chính là người lớn tuổi. Chuyện tình của đôi trẻ Phan (Trọng Lân) và Linh (Việt Hoa) chỉ là cái cớ để hai ông bố là ông Phúc (bố của Phan do NSƯT Chí Trung đóng) và ông Khôi (bố của Linh do NSND Trọng Trinh vào vai) đấu đá, trở thành trung tâm của bộ phim với những tình huống dở khóc, dở cười. Ngoài ra, phim có sự xuất hiện của nhân vật cao tuổi như cụ Thập (bà nội Phan do nghệ sĩ Tuyết Liên ở tuổi gần 80 thủ vai), tạo nên một thế giới tâm lý người lớn tuổi rất đáng theo dõi. Đặc biệt, phim lan toả thông điệp ý nghĩa ở nhân vật của nghệ sĩ Tuyết Liên: Dù có đanh đá, ghê gớm nhưng vẫn toát lên sự đáng yêu, đáng kính của một người bà luôn hết mực yêu thương con cháu.

Khi người già không còn là vai phụ trên phim Việt - Ảnh 1.