Chỉ sau 1 ngày kêu gọi, 1 trang fanpage đã nhận được số tiền khoảng 4 tỷ đồng gửi về ủng hộ cho các nạn nhân trong vụ cháy chung cư mini tại Hà Nội. Tuy nhiên, hiện cũng đã xuất hiện một số ý kiến trái chiều về việc này.

Vụ cháy chung cư mini ở ngõ 29/70 phố Khương Hạ (phường Khương Đình, quận Thanh Xuân, Hà Nội) khiến 56 người tử vong và 37 người bị thương đang để lại những ký ức kinh hoàng in hằn trong tâm trí những người trong cuộc.

Hai ngày qua, những hình ảnh về lực lượng chức năng vật lộn với đám cháy, các nạn nhân được đưa ra khỏi hiện trường và khung cảnh tan hoang bên trong căn chung cư bị hỏa hoạn… được chia sẻ tràn ngập trên các nền tảng mạng xã hội khiến dư luận vô cùng xót xa, thương cảm.

Đại diện fanpage Hà Nội 24h nói về số tiền quyên góp 4 tỷ đồng cho nạn nhân vụ cháy, giải thích vì sao dùng địa chỉ ảo - Ảnh 1.

Bài kêu gọi trên fanpage Hà Nội 24h

Sau vụ hỏa hoạn thương tâm, nhiều cư dân mạng đã kêu gọi chung tay hỗ trợ các nạn nhân của vụ cháy. Trong đó, trang fanpage Hà Nội 24h với 1,4 triệu lượt theo dõi đã nhận được số tiền gần 4 tỷ đồng chỉ sau hơn 1 ngày đăng tải bài viết kèm theo số tài khoản ngân hàng của một cá nhân.

Tuy nhiên, sau khi được nhiều người ủng hộ thì cũng xuất hiện nhiều phản ứng trái chiều, nghi ngại không minh bạch trong giải ngân.

Đại diện fanpage Hà Nội 24h nói về số tiền quyên góp 4 tỷ đồng cho nạn nhân vụ cháy, giải thích vì sao dùng địa chỉ ảo - Ảnh 2.

Một cư dân mạng bày tỏ ý kiến nghi ngại

Để rộng đường dư luận, PV đã tìm đến địa chỉ ghi trên fanpage tại số 123 đường Láng (Hà Nội) nhưng địa chỉ này không có thật. Còn trang web hanoi24.vn thì để địa chỉ công ty này ở Đà Nẵng.

Trao đổi với chúng tôi qua điện thoại, đại diện fanpage Hà Nội 24h giải thích, do fanpage tên Hà Nội nên phải để địa chỉ “ảo” tại Hà Nội, đây là thủ thuật để người dùng Facebook dễ tìm kiếm thấy trang hơn và có lượt tiếp cận tốt hơn, còn đội ngũ Admin đều làm việc online.

Đại diện fanpage Hà Nội 24h nói về số tiền quyên góp 4 tỷ đồng cho nạn nhân vụ cháy, giải thích vì sao dùng địa chỉ ảo - Ảnh 3.

Trang fanpage dừng kêu gọi vì đã nhận được số tiền quá lớn

Đại diện fanpage này cũng chia sẻ, khi đăng bài kêu gọi, ban quản trị fanpage dự định sẽ nhận ủng hộ trong vòng 3 ngày. Khi kết thúc nhận thì đội ngũ Admin sẽ thống kê và lên kế hoạch cụ thể để trao tận tay những gia đình gặp nạn một cách minh bạch. Tuy nhiên, chỉ sau vài giờ kêu gọi, số tiền quyên góp được quá lớn, vượt dự định ban đầu nên fanpage quyết định dừng kêu gọi và xóa số tài khoản khỏi bài đăng.

Thời điểm PV liên hệ lúc 19h22′ tối 14/9, fanpage Hà Nội 24h cho biết đã nhận được 4 tỷ đồng từ các mạnh thường quân. Người này cũng khẳng định, trong sáng ngày mai (15/9), sẽ đến ngân hàng sao kê và công khai minh bạch tất cả các giao dịch ủng hộ. Đồng thời sẽ chuyển trực tiếp toàn bộ số tiền này tới Ủy ban mặt trận Tổ quốc phường Khương Đình để nhờ đơn vị này trao lại cho các nạn nhân.

Đáng chú ý, admin page này khi được nhiều người thắc mắc đã tuyên bố đã lên hệ với phía công an và được tư vấn là ‘có thể dùng tài khoản cá nhân để kêu gọi từ thiện’ và kết hợp cùng các đoàn thể khác. Tuy nhiên, không có chứng cứ cụ thể về việc được ‘anh công an’ nào, làm ở đâu, số điện thoại hay tên tuổi ra sao tư vấn khiến cư dân mạng càng thêm phần phẫn nộ. Nhiều người đã yêu cầu trả lại tiền đã ủng hộ trước đó.

Tuy nhiên, báo Công An Nhân Dân mới đây cũng vừa lên tiếng làm rõ vấn đề từ thiện này và hoàn toàn khẳng định mọi chuyện cần làm đúng pháp luật, không có ngoại lệ. Cụ thể:

Theo Nghị định 93/2021/NĐ-CP, trước khi kêu gọi quyên góp từ thiện cá nhân phải mở tài khoản riêng tại ngân hàng thương mại để phục vụ cho cuộc vận động, phải thông báo về mục đích, phạm vi, phương thức, hình thức vận động, tài khoản tiếp nhận (đối với tiền), địa điểm tiếp nhận (đối với hiện vật), thời gian cam kết phân phối và gửi bằng văn bản đến UBND cấp xã nơi cư trú.

Bên cạnh đó, Điều 10 Thông tư 41/2022/TT-BTC cũng hướng dẫn cụ thể về chế độ kế toán áp dụng cho các hoạt động xã hội, từ thiện.

Theo đó, cá nhân thực hiện vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng nguồn đóng góp tự nguyện để thực hiện các hoạt động xã hội, từ thiện phải thực hiện các quy định sau:

Phải mở sổ sách để ghi chép các khoản đã tiếp nhận đóng góp tự nguyện của các nhà tài trợ; các khoản đã phân phối và sử dụng từ nguồn này để thực hiện các hoạt động xã hội, từ thiện một cách chính xác, trung thực, đảm bảo công khai, minh bạch.

Việc ghi chép sổ sách phải thực hiện ngay khi bắt đầu thực hiện các hoạt động vận động, tiếp nhận, phân phối nguồn đóng góp để thực hiện các hoạt động xã hội, từ thiện, số liệu ghi chép phải liên tục theo trình tự thời gian và phản ánh đầy đủ các thông tin theo yêu cầu công khai số liệu.

Kết thúc đợt vận động, tiếp nhận, phân phối nguồn đóng góp để thực hiện các hoạt động xã hội, từ thiện cá nhân phải thực hiện chốt sổ, theo đó cộng toàn bộ số liệu thu, chi và tính ra số tồn chưa sử dụng để lập báo cáo và công khai số liệu theo quy định của pháp luật.

Đối với khoản tiếp nhận và sử dụng thông qua tài khoản tiền gửi ngân hàng phải thực hiện đối chiếu số liệu với ngân hàng nơi mở tài khoản định kỳ hàng tháng và đối chiếu khi kết thúc đợt vận động. Bản đối chiếu số liệu với ngân hàng hoặc sổ chi tiết tài khoản tiền gửi mà ngân hàng gửi đến phải được lưu trữ và công khai khi kết thúc đợt vận động.

Vụ cháy chung cư mini ở Hà Nội gây thiệt hại nặng nề về người và tài sản ảnh 1
Vụ cháy chung cư mini ở Hà Nội gây thiệt hại nặng nề về người và tài sản

Với khoản tiếp nhận từ các nhà tài trợ để thực hiện các hoạt động xã hội, từ thiện, trường hợp tiếp nhận tài trợ bằng tiền, cá nhân người vận động phải mở riêng tài khoản cho mục đích xã hội, từ thiện tại ngân hàng theo quy định, không được nhận tiền tài trợ cho mục đích xã hội, từ thiện vào chung tài khoản sử dụng chi tiêu cá nhân của người vận động.

Trường hợp tiếp nhận tài trợ bằng tiền mặt, cá nhân tiếp nhận tài trợ có trách nhiệm bảo quản an toàn tiền mặt nhận tài trợ; trường hợp chưa sử dụng có thể đem gửi vào tài khoản được mở riêng cho mục đích xã hội, từ thiện tại ngân hàng.Trường hợp tiếp nhận tài trợ bằng ngoại tệ để thực hiện các hoạt động xã hội, từ thiện trong nước: Cá nhân tiếp nhận tài trợ bán ngoại tệ cho ngân hàng thương mại và quản lý, sử dụng tiền Việt Nam để thực hiện các hoạt động xã hội, từ thiện theo quy định. Lãi tiền gửi sau khi trừ đi chi phí thanh toán được bổ sung tăng nguồn tài trợ.

Bên cạnh đó, cá nhân kêu gọi vận động từ thiện phải lập Sổ tổng hợp ghi chép số liệu, trong đó ghi chép các khoản đã tiếp nhận tài trợ bằng tiền của các nhà tài trợ theo thời gian đóng góp thực tế, gồm thông tin của nhà tài trợ; thời gian nhận đóng góp…

Trường hợp tiếp nhận tài trợ bằng hiện vật, tùy theo điều kiện kho, bãi, khả năng bảo quản, vận chuyển, cá nhân người vận động quyết định việc tiếp nhận các khoản tài trợ bằng hiện vật.

Khi tiếp nhận tài trợ bằng hiện vật, cá nhân người vận động phải chịu trách nhiệm bảo quản an toàn, phân phối kịp thời số hiện vật đến các địa chỉ cần hỗ trợ.Cá nhân phải mở riêng “Sổ tổng hợp số liệu nhận vận động tài trợ bằng hiện vật”.

Với các khoản đã phân phối và sử dụng từ nguồn đóng góp tự nguyện để thực hiện các hoạt động xã hội, phải được ghi chép đầy đủ.

Riêng đối với các khoản chi tiền để mua sắm hàng hóa, hiện vật mang đi tài trợ hoặc mua sắm vật tư,… chi trả cho việc xây dựng, sửa chữa công trình phải có đầy đủ các hóa đơn, chứng từ mua bán hợp lệ, hợp pháp theo quy định của pháp luật.