Toà chung cư mini xảy ra cháy làm 56 người tử vong được xác định xây sai phép từ năm 2015, chính quyền địa phương đã có quyết định cưỡng chế phần sai phép nhưng sau đó chung cư này vẫn đi vào hoạt động

Ngày 13-9, liên quan đến vụ cháy chung cư mini làm 56 người tử vong ở Khương Đình (quận Thanh Xuân, TP Hà Nội), Công an TP Hà Nội đã khởi tố bị can và lệnh bắt bị can để tạm giam 4 tháng đối với Nghiêm Quang Minh (SN 1979; trú tại quận Cầu Giấy, TP Hà Nội), là chủ của chung cư nơi xảy ra vụ cháy.

Một mặt chung cư mini, nơi xảy ra vụ cháy kinh hoàng làm 56 người tử vong. Ảnh: CTV

Nghiêm Quang Minh bị khởi tố về tội vi phạm quy định về phòng cháy chữa cháy theo Điều 313 Bộ Luật Hình sự (các quyết định và lệnh bắt bị can đã được VKSND Thành phố phê chuẩn).

Theo tìm hiểu của Báo Người Lao Động, tháng 3-2015, UBND quận Thanh Xuân cấp giấy phép cho Nghiêm Quang Minh xây dựng toà nhà riêng lẻ tại số 37, ngách 29/70 phố Khương Hạ, phường Khương Đình.

Bị can Nghiêm Quang Minh được quận Thanh Xuân cấp phép xây dựng công trình nhà ở riêng lẻ, với 6 tầng (tương đương 20,2 m, không tính tum thang), tầng lửng và tum thang có không gian kỹ thuật. Diện tích xây dựng tầng 1 (có tầng lửng) là 167,4 m2, trên thửa đất 240 m2.

Dù được cấp phép 6 tầng nhưng chủ đầu tư đã cho xây dựng công trình này lên đến 9 tầng, với diện tích sàn khoảng trên 200 m2. Sau khi xây dựng xong, toà nhà này trở thành chung cư mini với 45 căn hộ, khoảng 150 người dân sinh sống.

Tối 13-9, phóng viên Báo Người Lao Động đã trao đổi qua điện thoại với ông Đặng Hồng Thái, nguyên phó chủ tịch UBND quận Thanh Xuân (người ký quyết định cấp phép cho công trình số 37, ngách 29/70 phố Khương Hạ). Ông Thái cho biết bản thân ông khi nghe tin về vụ cháy thì rất xót xa. Ông Thái cũng thừa nhận là người ký cấp phép xây dựng cho chủ đầu tư căn nhà này.

Theo ông Thái, chủ đầu tư này sau đó đã xây sai phép và quận đã có văn bản xử phạt, cưỡng chế từ 2015. Ông Thái cho biết sau đó ông nghỉ hưu; các bước tiếp theo chính quyền quận, phường xử lý như thế nào thì phải kiểm tra lại.

Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng cho biết đã thống nhất với Bộ Công an chỉ đạo điều tra tận gốc vấn đề từ khâu cấp phép xây dựng. Ủy ban Kiểm tra Đảng ủy Công an Trung ương, Ủy ban Kiểm tra Thành ủy Hà Nội sẽ vào cuộc kiểm tra trách nhiệm lãnh đạo, quản lý liên quan… “Tinh thần chỉ đạo là sai đâu xử đấy, bảo đảm sự nghiêm minh theo quy định của pháp luật” – Bí thư Đinh Tiến Dũng nêu rõ.

Đi ngược chủ trương lớn của thành phố?

Năm 2017, từ nội dung đơn thư của người dân, nhiều cơ quan báo chí có bài viết phản ánh công trình vi phạm trật tự xây dựng tại 85 Hạ Đình, phường Thanh Xuân Trung, quận Thanh Xuân. Công trình 3 tầng này do gia đình ông Phạm Văn Thủy thực hiện, với tiêu chuẩn “ba không”: Không giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, không hồ sơ thiết kế, không có giấy phép xây dựng.

Ngày 28/8/2017, Chủ tịch UBND phường Thanh Xuân Trung đã ban hành quyết định số: 299/QĐ-CTUBND về việc cưỡng chế, phá dỡ công trình vi phạm trật tự xây dựng của gia đình ông Thủy.

 

Ra nhiều văn bản nhưng công thực hiện. Công trình sai phạm vẫn ngang nhiên tồn tại.

Liên quan đến công trình sai phạm này, thực hiện kết luận của Chủ tịch UBND quận Thanh Xuân, nhiều cán bộ phường, thanh tra xây dựng bị kỷ luật, điều chuyển công tác… Chủ tịch UBND quận còn giao UBND phường Thanh Xuân Trung lên phương án “cưỡng chế” công trình sai phạm. Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Xuân Lưu cho hay, việc xử lý công trình sai phạm lãnh đạo quận đã giao cho ông Đặng Hồng Thái – phó Chủ tịch UBND quận Thanh Xuân.

Thay vì tuyên truyền, vận động quần chúng nhân dân thực hiện nghiêm chủ trưởng của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, Bí thư Chi bộ tổ 14, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND phường Thanh Xuân Trung, lại làm đơn và báo cáo xin không xử lý công trình sai phạm 85 Hạ Đình. Cụ thể, bà Chu Thị Cảnh, Bí thư chi bộ khu dân cư 14 phường Thanh Xuân Trung, quận Thanh Xuân, TP. Hà Nội đã soạn sẵn đơn xúi giục một số người là trưởng, phó các đoàn thể và tổ trưởng, phó khu dân cư 14 thuộc phường Thanh Xuân Trung ký vào đơn gửi Chủ tịch UBND quận Thanh Xuân và UBND phường Thanh Xuân Trung cho rằng việc sai phạm nhà ông Thủy là “không có gì lớn”.

Tiếp đó ngày 19/6/2019, ông Đinh Tiến Sỹ, Bí thư Đảng ủy phường; Nguyễn Hữu Thọ, Chủ tịch UBND phường; Đỗ Thị Nguyệt Anh, Chủ tịch HĐND, cùng đại diện UBMTTQ, Hội Phụ nữ, Đoàn Thanh niên… đồng loạt ký tên vào Báo cáo số: 385/BC-UBND, xin cho công trình sai phạm của ông Thủy được tạm thời giữ nguyên hiện trạng, vì đây là vi phạm không lớn, không ảnh hưởng nhiều đến cảnh quan đô thị và thấp hơn các hộ liền kề. Công trình nằm trong quy hoạch…

Vậy là những sai phạm, vi phạm pháp luật đáng ra phải được cấp cơ sở xử lý nghiêm, kịp thời theo quy định pháp luật thì lại được một nhóm người trong hệ thống chính quyền cơ sở ký văn bản đề nghị tạm thời giữ nguyên hiện trạng của công trình, xin cho công trình vi phạm được tồn tại. Văn bản rất lạ này không những đi ngược kết luận của Chủ tịch UBND quận Thanh Xuân mà còn đi ngược lại chủ trương của Thành ủy, UBND TP Hà Nội về “Năm trật tự văn minh đô thị”.

Bởi thế, dấy lên dư luận không tốt và những nghi vấn của người dân về công trình sai phạm tại 85 Hạ Đình, phường Thanh Xuân Trung, quận Thanh Xuân có người “chống lưng” là hoàn toàn có cơ sở. Trên thực tế, dù thanh tra xây dựng có lập biên bản vi phạm, nhưng công trình sai phạm cứ mọc lên. Chưa hết, quyết định cưỡng chế chỉ là cho có, công trình sai phạm vẫn tồn tại, thách thức dư luận.

Năm 2017 và các năm sau này, Thành ủy Hà Nội, UBND TP Hà Nội đẩy mạnh thực hiện chủ trương “Năm trật tự và minh đô thị”. Thành ủy, UBND TP Hà Nội đã ban hành nhiều văn bản, phổ biến rộng rãi chủ trương lớn này đến từng chi bộ, đảng viên. Thực hiện chủ trương của thành phố, các quận, huyện đã tăng cường tuyên truyền, giáo dục về “Năm trật tự văn minh đô thị”; siết chặt kỷ cương, phép nước về trật tự xây dựng; duy trì bảo vệ môi trường; hoàn thiện kết cấu hạ tầng đô thị đồng bộ… Với sự nỗ lực, quyết tâm cao, đến nay bộ mặt đô thị của Thủ đô ngày càng thêm xanh, sạch, đẹp, khang trang và hiện đại hơn. Đặc biệt, tình trạng vi phạm trật tự xây dựng đã được nhiều quận, huyện xử lý nghiêm.

Bởi thế, việc bí thư đảng ủy, chủ tịch HĐND, chủ tịch UBND phường Thanh Xuân Trung cùng ký tên vào văn bản đề nghị UBND quận Thanh Xuân không xử lý công trình sai phạm khiến dư luận không khỏi nghi ngại, bức xúc về sự thỏa hiệp với sai phạm. Nhiều ý kiến cho rằng, thực hiện chức trách quản lý trên địa bàn nhưng lãnh đạo phường Thanh Xuân Trung lại để xảy ra vi phạm trật tự xây dựng, rồi lại ký văn bản đề nghị cho tồn tại công trình sai phạm – không xử lý vi phạm chính là việc đi ngược lại chủ trương lớn của Thành ủy, UBND TP Hà Nội.

Phó Chủ tịch quận không thể vô can

Sau kết luận của ông Nguyễn Văn Lưu – Chủ tịch UBND quận Thanh Xuân về công trình sai phạm tại 85 Hạ Đình, phường Thanh Xuân Trung, một loạt cán bộ thanh tra xây dựng, cán bộ địa chính, Phó Chủ tịch, Chủ tịch UBND phường Thanh Xuân Trung đều bị kỷ luật.

Theo đó, kiểm điểm trách nhiệm đối với ông Phạm Anh Vũ, Phó Chủ tịch UBND phường Thanh Xuân Trung; Kiểm điểm trách nhiệm đối với ông Nguyễn Văn Đông, công chức địa chính – xây dựng và môi trường phường; Kiểm điểm, rút kinh nghiệm đối với ông Nguyễn Hữu Thọ, Chủ tịch UBND phường Thanh Xuân Trung. UBND quận Thanh Xuân giao Đội trưởng Đội TTXD quận báo cáo Chánh Thanh tra Sở xây dựng xem xét kiểm điểm trách nhiệm đối với một Phó đội trưởng cùng 3 cán bộ của đội.

Công trình sai phạm tại 85 Hạ Đình.

Là Ủy viên thường vụ Quận ủy, Phó Chủ tịch UBND quận phụ trách đô thị, ông Đặng Hồng Thái với cương vị của mình không những nắm rõ chủ trương lớn của Thành ủy, UBND TP. Hà Nội mà còn phải thực hiện tốt “Năm trật tự văn minh đô thị”. Tuy nhiên, không hiểu ông Đặng Hồng Thái đã thực hiện chủ trương lớn của thành phố như thế nào mà vẫn xảy ra tình trạng vi phạm trật tự xây dựng, không giải quyết đến cùng của sự việc, để rồi người dân gửi đơn thư phản ánh đến Thành ủy, UBND TP Hà Nội và nhiều cơ quan báo chí.

Cũng cần phải nhắc lại, việc ông Đặng Hồng Thái ký văn bản đồng ý để gia đình ông Phạm Văn Thủy cải tạo nhà, phóng viên Báo TNVN đã nhiều lần phản ánh với ông Đặng Hồng Thái về vụ việc sai phạm trật tự xây dựng này. Tuy nhiên, đến nay công trình sai phạm không những không bị xử lý mà lại được một nhóm người ký văn bản xin tạm thời giữ nguyên hiện trạng.

Vì thế, nhiều ý kiến cho rằng, bên cạnh việc xem xét, xử lý kỷ luật cán bộ phường, thanh tra xây dựng thì Quận ủy, UBND quận Thanh Xuân cần phải xem xét, xử lý trách nhiệm của ông Đặng Hồng Thái khi để xảy ra vi phạm trật tự xây dựng trong lĩnh vực mình phụ trách – để nhiều cán bộ thuộc cấp của mình bị kỷ luật.

Cũng theo tìm hiểu của phóng viên, ngày 4/1/2018, UBND quận Thanh Xuân có thông báo số: 104/TB – UBND về kết quả giải quyết tố cáo của công dân. Theo đó, kết luận nội dung gia đình bà Chính, chị Yến tố cáo công trình xây dựng của ông Phạm Văn Thủy tại số 85 phố Hạ Đình không có giấy phép xây dựng là đúng; ông Phạm Anh Vũ – Phó Chủ tịch UBND phường Thanh Xuân Trung buông lỏng quản lý làm ảnh hưởng đến quyền lợi gia đình bà Chính, chị Yến là đúng một phần.

Thông báo số: 104/TB-UBND, ngày 4/1/2018, UBND quận Thanh Xuân khẳng định: “Đây là công trình không được miễn cấp phép xây dựng theo quy định tại Điều 89 Luật Xây dựng. Chủ đầu tư thực hiện cải tạo, sửa chữa công trình không đúng theo các nội dung chấp thuận tại Văn bản số 597/UBND-QLĐT ngày 5/5/2017 của UBND quận Thanh Xuân về việc cải tạo, sửa chữa nhà xuống cấp tại số 85 phố Hạ Đình. Nội dung công dân tố cáo công trình tại địa chỉ số 85 phố Hạ Đình xây dựng không có Giấy phép xây dựng là đúng…”./.