Sau vụ cháy ở phố Khương Hạ, câu hỏi vì sao chung cư mini xây sai phép nhưng không bị xử lý, nguồn lửa xuất phát từ ổ điện hay xe điện… hiện vẫn chưa có lời giải.

Vụ cháy chung cư mini số 37 ngõ 29/70 phố Khương Hạ, phường Khương Đình, quận Thanh Xuân, Hà Nội làm 56 người chết, 37 người bị thương, là vụ hỏa hoạn gây tổn thất về người nhiều nhất trong 21 năm qua. Cơ quan chức năng vẫn đang phong tỏa hiện trường, điều tra nguyên nhân cháy.

Vì sao chung cư mini xây sai phép nhưng không bị xử lý?

8 năm trước, ông Nghiêm Quang Minh (trú quận Cầu Giấy, Hà Nội) được quận Thanh Xuân cấp phép xây nhà ở riêng lẻ 6 tầng, diện tích xây dựng tầng một 167 m2, mật độ 70%, tổng chiều cao công trình 20,2 m tại số 37 ngõ 29/70 phố Khương Hạ. Tuy nhiên, ông đã biến công trình nhà ở thấp tầng thành chung cư mini cao 10 tầng, diện tích xây dựng 230 m2, chia thành 45 căn hộ để bán.

Ngày 14/9, kiểm tra hiện trường vụ cháy, đại diện Bộ Xây dựng đã chỉ ra nhiều sai phạm về phòng cháy chữa cháy tại chung cư mini, như thiếu thang thoát nạn thứ hai, thang bộ hiện tại bố trí hở nên dễ bị nhiễm khói, không có đường cho xe chữa cháy. Công an Hà Nội xác định ngôi nhà cháy có những dấu hiệu vi phạm nghiêm trọng về trật tự xây dựng (xây trái phép 4 tầng, xây gần hết diện tích lô đất), về phòng cháy, chữa cháy.

Chung cư mini bị cháy nằm giữa khu dân cư đông đúc. Ảnh: Ngọc Thành

Chung cư mini bị cháy cao vượt trội so với nhà xung quanh, nằm trong ngõ chỉ rộng 3 m. Ảnh: Giang Huy

Thực tế ngay khi đi vào hoạt động, chung cư này đã có nhiều đơn thư phản đối của hàng xóm và hai lần bị quận Thanh Xuân ra văn bản xử phạt, theo ông Lê Bá Mão, 75 tuổi, nguyên trưởng ban bảo vệ ở phường Khương Đình. Tuy nhiên, vì sao công trình xây sai phép nằm cách trụ sở UBND phường Khương Đình chỉ 3-4 phút đi bộ song nhiều năm qua không bị xử lý thì chưa có câu trả lời.

Tối 15/9, hai ngày sau vụ cháy, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng đã chỉ đạo các cơ quan điều tra từ khâu cấp phép xây dựng và tổ chức kiểm tra 3 cơ sở Đảng thuộc quận Thanh Xuân (Ban Thường vụ Quận ủy, Đảng ủy Công an quận Thanh Xuân và Đảng ủy phường Khương Đình nhiệm kỳ 2015-2020 và 2020-2025) để làm rõ trách nhiệm của cá nhân liên quan đến tòa nhà bị cháy.

Nguồn lửa bắt đầu từ đâu?

Theo ông Ngô Phó Điền, bảo vệ chung cư mini, lúc 23h ngày 12/9 ông đang trực thì phát hiện ổ điện ở tầng một bốc cháy. Lửa nhỏ, ông vác bình chữa cháy xịt. “Nhưng càng xịt càng cháy to, tôi vội hô hoán báo động cư dân”, ông kể.

Một số người dân gần hiện trường lại cho rằng lửa từ xe điện tại tầng một phát nổ gây cháy chung cư mini. Thông tin này gây hoang mang cho người sử dụng xe điện và nhiều đơn vị vận hành nhà ở. Nhiều chung cư mini, chủ nhà trọ, chung cư thương mại đã cấm sạc xe điện dưới hầm, tầng để xe, thậm chí chấm dứt cho thuê trọ nếu người thuê dùng xe máy điện.

Góc tường treo công tơ điện của các hộ gia đình bị cháy rụi. Ảnh: Giang Huy

Góc tường treo công tơ điện của các hộ gia đình bị cháy rụi. Ảnh: Giang Huy

Theo chuyên gia phòng cháy chữa cháy, xe điện có thể không phải nguồn phát cháy, nhưng sẽ là tác nhân làm vụ cháy thêm nghiêm trọng. Lý do là khối pin lithium-ion của xe điện cháy rất nhanh, tỏa nhiệt lớn, cần nhiều nỗ lực, thời gian để dập lửa vì pin có thể bốc cháy trở lại.

Bộ Công an, Công an Hà Nội đã chỉ đạo các lực lượng chức năng tập trung khẩn trương điều tra nguyên nhân cháy, xác định chính xác nguồn lửa.

Vì sao chậm công bố số người tử vong?

Đám cháy bùng phát lúc 23h ngày 12/9, được dập tắt khoảng 1h ngày 13/9. Việc cứu hộ nạn nhân, tìm kiếm thi thể đến 7h ngày 13/9 là kết thúc. Người bị thương được đưa đến các bệnh viện Bạch Mai, Đống Đa, Hà Đông, Y Hà Nội, Bưu điện… Thi thể nạn nhân được đưa xuống nhà xác Bệnh viện Quân y 103.

Hơn 8h ngày 13/9, UBND quận Thanh Xuân thông báo đã cứu được 70 người, đưa 54 người đi cấp cứu, trong đó có người tử vong. Chính quyền đánh giá vụ cháy đặc biệt nghiêm trọng, nhưng chưa thông tin về số nạn nhân tử vong. Phải đến 19h, tức 12 tiếng sau khi thi thể cuối cùng được đưa ra khỏi hiện trường, Hà Nội mới công bố 56 người chết và 37 người bị thương.

Một nạn nhân của vụ cháy điều trị tại Bệnh viện Bạch Mai. Ảnh: Lê Nga

Một nạn nhân của vụ cháy điều trị tại Bệnh viện Bạch Mai. Ảnh: Lê Nga

Trong khi đó, nghe tin cháy, điện thoại cầu cứu, gia đình, bạn bè ở nhiều tỉnh thành đổ đến hiện trường, các bệnh viện, nhà tang lễ để tìm tung tích người thân. Nhưng nhiều người thất vọng ra về vì không có thông tin. “Chúng tôi đã đi gần chục bệnh viện song chưa tìm thấy cháu gái”, ông ngoại của một nạn nhân sống ở tầng 3 chung cư mini kể vào chiều 13/9.

6 ngày sau hỏa hoạn, thành phố vẫn chưa tổ chức họp báo cung cấp thông tin đầy đủ, lý giải vì sao chung cư sai phép vẫn không bị xử lý, vì sao chậm công bố thiệt hại về người và hàng loạt câu hỏi khác.

Vì sao chưa bịt khe hở pháp lý với chung cư mini?

Loại hình nhà ở riêng lẻ nhiều tầng, nhiều căn hộ (còn gọi là chung cư mini) đang phổ biến ở các đô thị lớn, riêng Hà Nội có khoảng 2.000, TP HCM có 42.200 nhà cho thuê dạng chung cư mini.

Theo ông Vũ Ngọc Anh, Vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ và môi trường, Bộ Xây dựng, “chung cư mini” không có trong các văn bản quy phạm pháp luật, không được thừa nhận và thẩm định hồ sơ công trình dưới tên gọi này. Luật nhà ở 2014 chưa có khái niệm chung cư mini, chỉ có nhà ở riêng lẻ, nhà chung cư, nhà xã hội.

Quận Thanh Xuân tồn tại nhiều chung cư mini, thu hút các gia đình trẻ, sinh viên đến sinh sống. Ảnh:Ngọc Thành

Quận Thanh Xuân tồn tại nhiều chung cư mini, thu hút các gia đình trẻ, sinh viên đến sinh sống. Ảnh:Ngọc Thành

Với loại hình chung cư cao tầng hoặc nhà ở riêng lẻ kết hợp kinh doanh, Quy chuẩn QCVN 06 về an toàn cháy đã quy định về tiêu chuẩn phòng cháy. Tuy nhiên, khi đi xin cấp phép xây dựng, chủ chung cư mini tại phố Khương Hạ và nhiều chủ hộ khác thường lách luật bằng cách xin cấp phép xây dựng nhà ở riêng lẻ dưới 6 tầng không kinh doanh để không phải thẩm định phòng cháy chữa cháy, sau đó chuyển đổi công năng sang nhà ở kinh doanh để bán hoặc cho thuê.

Khi chuyển đổi công năng từ nhà ở riêng lẻ sang dạng chung cư mini, đa số tòa nhà không đạt tiêu chuẩn phòng cháy và không đủ điều kiện cấp “sổ đỏ” cho các căn hộ vì khi xây dựng chủ chung cư chưa khai báo về mục đích sử dụng, công trình không đảm bảo các yêu cầu về thiết kế, thẩm duyệt phòng cháy chữa cháy. Đây cũng là lý do dẫn đến tranh chấp pháp lý giữa người mua và chủ đầu tư và tranh cãi cho phép chung cư mini tồn tại hay không?

Thực tế những vấn đề của chung cư mini không phải sau vụ cháy ở Khương Hạ mới lộ ra mà tồn tại hàng chục năm, nhưng vì sao đến nay vẫn chưa có giải pháp? Trong khi đó loại hình này phần nào giúp giải bài toán thiếu nhà ở cho người dân thu nhập thấp và trung bình tại các đô thị lớn.

Để khắc phục bất cập trên, Thủ tướng mới đây yêu cầu Bộ Xây dựng bổ sung tiêu chuẩn về phòng cháy chữa cháy với chung cư mini và cơ sở cho thuê trọ mật độ người cao. Bộ sớm sửa đổi quy chuẩn và tiêu chuẩn nhà ở riêng lẻ.