‘Nhà tôi không lắp chuồng cọp, không đóng cọc sắt hay đổ vỏ chai lên tường bao để chống trộm, đơn giản vì tôi chọn ưu tiên tính mạng trước’.

Tâm lý lo chống trộm hơn chống cháy của người dân Việt Nam là thực tế tồn tại từ rất nhiều năm qua. Người ta sẵn sàng chi tiền làm “chuồng cọp”, lắp camera, để chống trộm, nhưng hiếm ai trang bị bình cứu hỏa, chưa nói đến việc lắp đặt thiết bị cảnh báo cháy để phòng hỏa hoạn. Thống kê của Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH trên địa bàn thành phố Hà Nội có khoảng 70% là nhà ống; hàng trăm nghìn nhà ở kết hợp với kinh doanh nhưng chỉ có một lối thoát nạn là cửa ra vào. Và hậu quả sau những vụ cháy thảm khốc thế nào có lẽ chúng ta đều đã thấy.

Nói không với việc lắp lồng sắt bịt lối thoát hiểm chỉ để chống trộm, độc giả Khong lng chia sẻ: “Nhiều người nói lắp ‘chuồng cọp’ ngăn trộm cướp. Nhưng thử hỏi giữa của cải và tính mạng, bạn chọn cái nào? Ai cũng nghĩ hỏa hoạn là chuyện hy hữu, chắc sẽ trừ nhà mình ra, để rồi đến lúc sự cố xảy đến bất ngờ, họ mới trở tay không kịp và hối hận muộn màng.

Nước nào cũng có trộm cắp, nhưng quan trọng là người dân quan trọng tính mạng hay tài sản hơn mà thôi. Khu nhà tôi cũng có nhà quây ‘chuồng cọp’ nhưng đa số còn lại đều để không gian mở, và tôi chưa thấy ai mất gì quá to tát (chủ yếu mất vặt do ra vào quên đóng cổng).

Trong khi đó, nhà tôi thậm chí ngay cả tường bao cũng không lắp sắt nhọn hay đổ vỏ chai vỡ lên trên, hệ thống cửa sổ đều để trống không làm song sắt. Nếu có trộm vào, tôi sẽ giả vờ không hay biết, nếu không được thì tất cả các phòng chỉ cần mở cửa sổ là thoát được ra ngoài. Cùng lắm kẻ gian chỉ lấy được điện thoại, laptop, hoặc vài triệu đồng tiền mặt. Còn xe cộ đều nằm trong garage, trộm muốn lấy cũng không dễ.

Mặt khác, nếu có hiện tượng cháy, ngay cả trẻ con trong nhà cũng có thể chui ngay ra khỏi cửa sổ, chạy ra vườn để thoát nạn. Chồng tôi thường xuyên xa nhà nên không xây hai tầng, thà mua đất rộng một chút xây, một tầng, nhỡ có chuyện gì thì vợ con chỉ cần phi ra cửa sổ là tương đối an toàn.
Cho đến nay, nhà tôi vẫn chưa mất mát gì”.

Nhấn mạnh tư duy “chuồng cọp” là một sai lầm, bạn đọc Tannobi nêu quan điểm: “Chuồng cọp, lồng sắt là là một tư duy sống cố thủ an toàn ăn sâu vào suy nghĩ của rất nhiều người, cho nên tranh luận nên hay không nên lắp sẽ không bao giờ kết thúc. Không thể phủ nhận chuyện an ninh, an toàn cho trẻ em, nhưng bù lại khi cháy mới thấy khuyết điểm của kiểu thiết kế này.

Đặc thù từng nhà có địa thế khác nhau, an ninh khác nhau, nên nếu làm lồng sắt phải tùy từng nhà mới tính toán phù hợp được. Tôi làm trong nghề xây dựng nên khi thiết kế lồng sắt chống trộm cho nhà, chuyện đầu tiên phải nghĩ đến là lối thoát hiểm khi có hỏa hoạn.

Không khó để giải quyết vấn đề này: ví dụ thay vì làm lồng hàn cố định, có thể làm dạng cửa mở có lắp khóa, khóa nên được đánh thành nhiều chìa và treo gần lồng và những vị trí hành lang trong nhà (dĩ nhiên vị trí trộm không thể với tới, và mọi người trong nhà đều biết vị trí treo chìa). Hoặc phương án làm chốt gài “thông minh”, chỉ có người bên trong mới mở được… cũng có thể áp dụng”.