Bao nhiêu thời gian đã trôi qua, câu hỏi phần mộ của “bà chúa thơ Nôm” có nằm tại Hồ Tây không vẫn tiếp tục bị bỏ ngỏ. Tuy nhiên, những bí ẩn xung quanh quá trình tìm kiếm đã được kể lại một cách vô cùng ly kỳ. 

 Bí ẩn mộ của nữ sĩ Hồ Xuân Hương: Ẩn số 200 năm, lần nào tìm kiếm cũng rùng mình vì chuyện tâm linh

Nhọc công tìm phần mộ của “Bà chúa thơ nôm” Hồ Xuân Hương ( 1772- 1822)  tên thật là Hồ Phi Mai. Cha bà là người ở Quỳnh Đôi, Nghệ An.  Bà là con của vợ thứ hai. Được biết, cha bà sau khi đỗ cử nhân thì đi ra Thăng Long để thi tiếp thì có kết đôi với 1 người phụ nữ họ Hà, quê ở Hưng Yên, hai người sống ở phường Khán Xuân chính là cái phường có chợ đêm Khán Xuân nổi tiếng từ thời Hậu Lê và sinh bà Hồ Xuân Hương ở phường Khán Xuân, ngay cạnh Hồ Tây.

Sở hữu “gia tài” thi ca đồ sộ, phản ánh những nhức nhối của xã hội đương thời, Hồ Xuân Hương được người dân yêu quý tôn thành “bà chúa thơ Nôm”. Năm 2021, bà cùng Nguyễn Đình Chiểu là hai nhà thơ của Việt Nam được UNESCO vinh danh là “danh nhân văn hóa thế giới”.

Cho tới ngày nay, giai thoại về Hồ Xuân Hương thì rất nhiều từ cuộc đời, sự nghiệp văn chương, con người,…nhưng có 1 điều mà đến bây giờ người ta vẫn nhọc công đi tìm là mộ bà có phải chôn ở Hồ Tây hay không.

 

Có rất nhiều giả thuyết đã được đặt ra. Có người dựa vào bài thơ của Miên Thẩm của chính tác giả thì đưa ra giả thuyết rằng bà được chôn ở 1 nghĩa địa ở Quảng bá. Theo thời gian, nước dâng lên, Hồ Tây mở rộng ra rất nhiều thì ngôi mộ và nghĩa địa đó cũng bị nhấn chìm.

Thế nhưng, lại có giả thiết là mộ của bà được chôn ở gần hồ Trúc Bạch bây giờ. Một số khác thì lại cho rằng mộ bà được chôn ở chỗ gần làng hồ Khẩu. Thậm chí, đi dò hỏi những người họ Hồ già nhất còn sống ở Hà Nội nhưng cũng không ai biết rõ.
Theo nhiều sổ sách ghi chép lại, thời xa xưa quanh khu vực Tây Hồ có nhiều nghĩa địa. Đó là nghĩa địa Lạc Chính gần hồ Trúc Bạch đối diện với Tây Hồ cách một con phố nay là đường Thanh Niên; Nghĩa địa trên gò Thất Tinh giữa Thụy Khuê và làng Hồ Khẩu và Nghĩa địa Đồng Táo ở làng Nghi Tàm, một làng trồng hoa nổi tiếng của Hà Nội.

Tuy nhiên, thiên nhiên liên tục vận động, kiến tạo, bồi đắp, nên phần địa hình xung quanh khu vực Hồ Tây có nhiều thay đổi. Sông, hồ, nước dâng lên khiến Hồ Tây ngày càng trở nên mênh mang rộng lớn, mỗi lần như vậy, các nghĩa trang dần chìm xuống lòng hồ, không còn để lại vết tích. Công cuộc truy tìm khó khăn, lần nào cũng xảy ra chuyện

Từ ngày 16-03-2003, sau khi căn cứ vào các tài liệu thu thập để đi tìm thì bước đầu đã tạm thời xác định rằng Hồ Xuân Hương mất tại Khán Xuân, những nhà nghiên cứu hạ quyết tâm tìm ra bằng được mộ nữ sĩ Hồ Xuân Hương.

Được biết, phần mộ “bà chúa thơ Nôm” trước đây được xây vuông vắn, đặt ở ven nghĩa địa Đồng Táo, được người dân chôn cất chu đáo. Cạnh mộ của bà còn có bia khắc tên nữ sĩ Xuân Hương. Thời gian trôi qua, sự biến đổi của thiên nhiên, mưa, nắng, lũ lụt, vỡ đê, nghĩa địa Đồng Táo nay đã chìm sâu trong làn nước xanh mát của hồ Tây. Nhiều người đánh cá kể lại, có những ngày Hồ Tây nước rút còn chạm cả vào những mộ phần dưới đấy.

 

Hành trình tìm về phần mộ của nữ thi sĩ cũng vô cùng gian truân, vất vả. Theo các nhà nghiên cứu lịch sử dòng họ Hồ kể lại, sau các lần tìm kiếm mộ bà lần nào cũng xảy ra chuyện cả. Cụ thể, đang dò tìm mộ, trời bất chợt kéo theo mưa giông khắp lối. Có hôm trời đang mát cũng tự nhiên âm u, mây đen từ đâu kéo đến, thuyền đang đi bình thường bỗng đột ngột dừng lại vì gặp sự cố không nổ được máy.

Mặc dù đây chỉ là những lời truyền miệng, chưa có sự can thiệp của khoa học nhưng đó cũng là thông tin để tham khảo cho người đời sau trong việc tìm mộ bà.

Sau nhiều lần tích cực tìm kiếm, con cháu dòng họ Hồ cuối cùng đã đưa ra kết luận: “Nước hồ Tây mênh mông quá, lòng hồ lại sâu, không sao xác định bằng ca nô và sào chống. Phải áp dụng phương tiện hiện đại hơn, có thợ lặn và nguồn kinh phí đầu tư lớn mới mong có kết quả được. Và cho đến nay, gần 200 năm ngày bà chúa thơ Nôm yên nghỉ, mộ bà đang nằm ở đâu trong lòng hồ vẫn là dấu hỏi cho hậu thế.”

 

Thật là đáng buồn và đáng tiếc khi một trong những thi sĩ lừng danh nước Việt, danh nhân văn hóa thế giới sau khi mất chẳng còn có đền đài, lăng mộ. Thế nhưng, những giai thoại, những hồn thơ của bà đã tạc vào sóng nước, mây trời, cây cỏ Hồ Tây để bù đắp cho thân phận thiệt thòi, đa đoan mà bà đã trải qua trong một kiếp người.

Để đến hôm nay và cho mãi về sau, người ta vẫn luôn nhớ đến người nữ sĩ tài hoa không chỉ qua những bài thơ nôm đặc sắc, mà còn tìm thấy trong cảnh sắc non nước hữu tình của mặt Hồ Tây.