Quy định mới về xét thăng hạng giáo viên khiến người có thâm niên 22 năm như tôi lương không bằng giáo viên trẻ mới đi dạy 10 năm.

Tôi là một giáo viên tiểu học ở Vĩnh Phúc. Năm 2000, tôi tốt nghiệp Cao đẳng Sư phạm. Lúc đó, tấm bằng của tôi đã là trên chuẩn, vì giáo viên cấp Tiểu học chỉ cần bằng Trung cấp Sư phạm. Ra trường, tôi được hưởng lương theo bằng Trung cấp, còn bạn học cùng lớp với tôi khi ra trường dạy ở tỉnh Phú Thọ (giáp với tỉnh tôi) lại được hưởng luôn bậc 2 của bằng Trung cấp, vì ở đó họ cho hưởng lương theo bằng Cao đẳng.

Điều đáng nói ở đây là khi nhà nước cho hưởng lương theo bằng cấp, lúc đó lương của tôi đang ở bậc 2 của Trung cấp, chỉ còn thiếu ba tháng nữa là được nâng lương lên bậc 3. Lúc đó, tôi được chuyển sang hưởng lương theo bằng Cao đẳng và tụt xuống bậc 1. Vậy là tôi ra trường sáu năm nhưng lương chỉ bằng mấy người vừa mới ra trường, đi dạy chưa đầy một năm (vì họ có bằng Cao đẳng như tôi).

Tôi thấy rất bất công khi chuyển xếp lương như vậy. Đến thời gian gần đây, người ta lại yêu cầu dạy bậc Tiểu học phải có bằng Đại học thì mới đạt chuẩn. Với đồng lương của giáo viên có thâm niên 22 năm như tôi (8 triệu đồng một tháng), tôi phải đi vay lãi để đủ tiền nuôi bản thân mình đi học đại học và một đứa con cũng đang là sinh viên.

Nhưng khi cầm được tấm bằng đại học trong tay, Thông tư 08/2023 lại ra đời, khiến bao nhiêu ngày tháng hy vọng được thăng hạng, nâng lương của tôi bị tan thành mây khói. Giờ đây, tôi phải chờ cho tới khi đủ 9 năm (từ thời điểm có bằng đại học) mới được làm hồ sơ để xét hoặc thi nâng hạng. Mà nếu có được xét thăng hạng, số tiền lương mà tôi được tăng thêm cũng không được là bao (từ 3,99 lên 4.0, tức chỉ tăng có 0.01) chứ chẳng được nhảy ba bậc như giáo viên trẻ mới đi dạy được 10 năm.

Trong phép tính mà chúng tôi dạy hàng ngày cho học sinh: “1 + 1 = 2” hay “10 < 22”, nhưng lương của giáo viên như chúng tôi lại đang được tính theo kiểu: “22 < 10” (giáo viên 22 năm công tác nhưng lương thấp hơn người mới dạy được 10 năm). Thử hỏi, việc xếp lương như vậy có là động lực để khuyến khích nhiều giáo viên lâu năm, có bề dày kinh nghiệm trong giảng dạy, phấn đấu cống hiến hay không?

Bản thân tôi kể từ lúc có băng Cao đẳng đã luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Tôi cũng trực tiếp tham gia thi Giáo viên giỏi cấp Huyện đạt giải cao trong nhiều năm; tham gia bồi dưỡng Học sinh giỏi các cấp đạt giải cao và được Chủ tịch UBNN huyện tặng giấy khen, danh hiệu Chiến sĩ thi đua cấp cơ sở. Thế nhưng, từ khi có Thông tư 08, tôi luôn tự hỏi: Tại sao người ta không nhìn vào chất lượng thực tế của giáo viên, những gì họ làm được, mà chỉ đánh giá dựa trên bằng cấp?

Qua đây, tôi mong muốn Bộ Giáo dục và Đào tạo, sẽ có những nghiên cứu, điều chỉnh Thông tư 08, để những giáo viên dạy từ 20 năm trở lên có mức lương phù hợp, xứng đáng, để họ yên tâm công tác, không phải lo nghĩ hôm nay vay tiền ở đâu để gửi cho đứa con lớn đang học đại học, ngày mai vay nóng tiền chỗ nào để cho đứa con bé đi học phổ thông? Với đồng lương chỉ có 8 – 9 triệu đồng như hiện giờ, chúng tôi còn không đủ sống chứ chưa nói đến việc nuôi con cái ăn học đại học. Rất mong các cấp lãnh đạo lắng nghe và thấu hiểu cho những nhà giáo lâu năm như chúng tôi.

Theo các thông tư của Bộ Giáo dục và Đào tạo về tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và bổ nhiệm, xếp lương giáo viên công lập, giáo viên được chia thành ba hạng I, II, III. Tương ứng với từng hạng, giáo viên có mức lương khác nhau, hạng I cao nhất. Cụ thể, giáo viên tiểu học, THCS hạng II phải có thời gian giữ chức danh nghề nghiệp hạng III từ 9 năm trở lên mới được xét thăng hạng, tăng lương. Các giáo viên cho rằng quy định này gây thiệt thòi rất lớn cho những người dạy lâu năm nhưng mới lấy bằng đại học.