Truyền thuyết ông Hoàng Bảy

Đền Bảo Hà hay còn có một cái tên gọi khác đền Ông Hoàng Bảy, là một trong những di tích lịch sử văn hóa quốc gia nổi tiếng, ngôi đền nằm ngay dưới chân đồi Cấm, bên cạnh sông Hồng, thuộc xã Bảo Hà, huyện Bảo Yên, tỉnh Lào Cai.

Cái tên ông Hoàng Bảy gắn liền với những cuộc lên đồng đầy thú vị. Bất kể giá đồng là nam hay là nữ thì đều có một điểm chung là đều biết hút thuốc hoặc uống rượu và tài năng ca hát. Theo nhiều nguồn tin truyền miệng, người ta nói ông Hoàng Bảy là một vị tướng thời xưa nhưng lại rất biết ăn chơi. Khi rảnh rỗi ông ngả bàn đèn, uống trà mạn Long Tỉnh hay chơi tổ tôm, tam cúc, xóc đĩa,…lúc nào cũng có những nàng xinh đẹp hầu hạ bên cạnh.

Và cho đến bây giờ, thân phận thật sự của ông Hoàng Bảy vẫn là một dấu chấm hỏi lớn, dù có rất nhiều câu chuyện được kể nhưng lại không có tính xác thực nào cả. Thậm chí những người trông coi nhận nhiệm vụ quản lý đền Bảo Hà cũng không rõ chính xác ông Hoàng Bảy là ai, quê quán ở nơi đâu, và năm sinh và năm mất cũng vẫn là một bí ẩn. Hiện có một số di bản về ông Hoàng Bảy, nhìn chung đều có những sự khác nhau nhưng lại đều có một điểm chung là các di bản đều khẳng định ông Hoàng Bảy là “thần vệ quốc”, là một anh hùng lẫm liệt của miền đất Tây Bắc.

Theo như truyền thuyết, vào cuối đời Lê, khắp vùng Quy Hóa gồm Châu Thủy Vĩ và Châu Văn Bàn (thuộc Lào Cai bây giờ) dân làng bị bọn giặc phương Bắc tràn sang cướp bóc, giết hại. Trước cảnh bất bình đau thương ấy, tướng Nguyễn Hoàng Bảy được triều đình giao cho trọng trách quan trọng đó chính là mang quân dẹp loạn mang lại yên bình cho dân làng vùng biên ải. Với tài lãnh đạo cùng sự thông minh, ông đã đánh đuổi quân giặc, giải phóng vùng đất Châu Văn Bàn, bên cạnh đó ông còn có công rất lớn trong việc xây dựng Bảo Hà thành một căn cứ lớn. Nhưng sau đó, không may thay trong một trận đấu không cân sức khác với quân giặc, ông đã hi sinh một cách anh dũng. Với những gì ông đã làm cho đất nước, khiến người dân càng yêu mến tôn sùng ông, vậy nên dân làng đã lập đền thờ nơi đây để cảm ơn những công đức to lớn của ông. Hơn thế nữa ông còn được ông còn được nhiều vua triều Nguyễn phong cho danh hiệu “Trấn an hiển liệt”. Còn đồng bào các dân tộc Kinh, Tày, Dao… thì tôn thờ ông là vị nhân thần. Ông đi vào cõi tâm linh các dân tộc và hiện thân trong các lễ hội xuống đồng vào ngày Thìn tháng giêng.

 Lễ hội đền Bảo Hà

Đền Bảo Hà có rất nhiều ngày lễ hội, trong đó những ngày lễ chính là: Lễ thượng nguyên (rằm tháng giêng), lễ tiệc quan tuần tranh (25/5 âm lịch), lễ hội ngày giỗ ông Hoàng Bảy (17/7 âm lịch), lễ tết muộn (Tết tất niên).

Hội chính đền Bảo Hà được tổ chức vào ngày 17 tháng 7 âm lịch hàng năm (ngày giỗ tướng Hoàng Bảy), thu hút đông đảo du khách trong và ngoài vùng đến dự. Trong lễ hội có tổ chức rước kiệu, tế thần, dâng hương tưởng niệm, cùng các hoạt động văn hóa – thể thao khác. Ngoài những ngày lễ hội, những ngày thường (đặc biệt là vào mùa xuân) khách thập phương trong cả nước vẫn thường xuyên tụ họp tại đây để thắp hương tưởng niệm, cầu an, cầu lộc. Ta có thể kể đến Lễ cầu an – Cầu cho quốc thái, dân an, các linh hồn của anh hùng tử trận vì sự bình yên của đất nước; Thả đèn hoa đăng trên sông Hồng, nhằm tạo không khí linh thiêng khơi dậy lòng tự hào dân tộc, tình yêu thương và đoàn kết dân tộc; Lễ tế theo nghi thức truyền thống gồm các nghi thức dâng lễ vật tế sống như trâu, lợn, gà được diễn ra, đó là những đồ hiến tế thánh Hoàng Bảy đề Ngài khao quân. Đặc biệt, đến với Lễ hội người dân và du khách còn được xem màn Rước kiệu truyền thống. Những cung hát văn, giá đồng, khúc nhạc lưu thủy… cũng là “đặc sản” làm cho ngày Hội đền Bảo Hà trở nên linh thiêng hơn và vẹn nguyên những giá trị vốn đã có từ bao đời.

Lễ hội Đền Bảo Hà và lễ hội Đền Thượng là hai lễ hội đông vui nhất tỉnh Lào Cai. Đó chính là thời điểm hội tụ sức mạnh cộng đồng và gửi gắm khát vọng về no ấm, hòa bình của người dân Lào Cai nói riêng trong suốt chiều dài lịch sử.