Cá nhân được hưởng thừa kế như thế nào tuỳ thuộc vào nội dung có trong di chúc. Nhưng nếu không có di chúc, con gái có được hưởng như con trai khi chia thừa kế nhà đất?

Thừa kế theo di chúc

Căn cứ khoản 2 Điều 626 Bộ luật Dân sự 2015 thì phần di sản được hưởng là bao nhiêu phụ thuộc vào nội dung của di chúc nếu di chúc đó hợp pháp (phụ thuộc vào ý chí của người để lại di chúc).

Tuy nhiên, người thừa kế không phụ thuộc vào nội dung của di chúc.

Căn cứ khoản 1 Điều 644 Bộ luật Dân sự 2015, con chưa thành niên, cha, mẹ, vợ, chồng và con thành niên mà không có khả năng lao động của người lập di chúc sẽ được hưởng phần di sản thừa kế bằng 2/3 suất của một người thừa kế theo pháp luật nếu không được người lập di chúc cho hưởng di sản hoặc cho hưởng phần di sản ít hơn 2/3 suất đó.

Quy định này không áp dụng đối với người từ chối nhận di sản hoặc họ là những người không có quyền hưởng di sản.

Chẳng hạn, nếu nhà chỉ có 1 người con trai nên trước khi chết người cha lập di chúc để lại toàn bộ di sản cho con trai thì người con này cũng không được hưởng toàn bộ nếu có những người thừa kế không phụ thuộc vào nội dung của di chúc như trên.

Tóm lại, cha mẹ có quyền lập di chúc để lại một phần hoặc toàn bộ tài sản là nhà đất của mình cho một, một số hoặc toàn bộ người con theo ý chí của mình mà không phụ thuộc vào giới tính. Nếu có người thừa kế không phụ thuộc vào nội dung của di chúc theo quy định tại khoản 1 Điều 644 Bộ luật Dân sự 2015 thì phải xác định lại phần di sản.

Thừa kế theo pháp luật

Theo Điều 649 và Điều 651 Bộ luật Dân sự 2015, người được hưởng thừa kế theo pháp luật là người thuộc diện thừa kế và hàng thừa kế.

– Diện thừa kế: Là người có quan hệ hôn nhân, huyết thống, nuôi dưỡng (con nuôi, cha nuôi, mẹ nuôi) với người chết.

– Hàng thừa kế:

+ Hàng thứ nhất gồm vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết.

+ Hàng thứ hai gồm ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh ruột, chị ruột, em ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại.

+ Hàng thứ ba gồm: cụ nội, cụ ngoại của người chết; bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột; chắt ruột của người chết mà người chết là cụ nội, cụ ngoại”.

Lưu ý là người ở hàng thừa kế sau chỉ được thừa kế khi không còn ai ở hàng thừa kế trước do đã chết, không có quyền hưởng di sản, bị truất quyền hưởng di sản hoặc từ chối nhận di sản.

Căn cứ khoản 2 Điều 651 Bộ luật Dân sự 2015 thì những người thừa kế cùng hàng được hưởng phần di sản bằng nhau.

Như vậy là khi thừa kế theo pháp luật thì những người thừa kế cùng hàng được hưởng phần di sản bằng nhau mà không phụ thuộc vào giới tính.

Có nghĩa là con gái có được hưởng bằng con trai khi chia thừa kế nhà đất theo di chúc hay không phụ thuộc vào ý chí của người lập di chúc, riêng thừa kế theo pháp luật thì được hưởng phần di sản bằng nhau mà không phụ thuộc vào giới tính.