Hoàng đế nhà Thanh mỗi bữa dùng 120 món, dùng bát bạc thìa ngọc tiêu tốn “cả núi tiền”. Nguồn nước nấu ăn chỉ dùng nước nằm ở núi Ngọc Tuyền.

Trong cuốn hồi ký “Nửa đời trước của ta”, vị vua Thanh triều cuối cùng là Phổ Nghi từng tiết lộ sự thật khó tin: Ở vào thời điểm còn ngồi trên ngai vàng, số tiền được chi ra cho việc ăn uống của một mình ông về cơ bản đã tiêu tốn 14.794 lượng bạc trắng mỗi năm, đó là chưa kể tới tiền mua hoa quả hay chế biến các món ăn vặt.

Trong khi, ngay ở thời kỳ đỉnh cao thịnh trị của Thanh triều dưới thời vua Càn Long, thu nhập bình quân của bách tính thường dân cũng chỉ dao động trong 2 đến 3 lượng bạc một tháng.

Sự chênh lệch giữa những con số này cũng đủ để nói lên mức độ xa hoa và tốn kém trên phương diện ăn uống của các nhân vật trong hoàng tộc nhà Thanh.

Sở dĩ tốn nhiều tiền như vậy là do thời nhà Thanh có rất nhiều quy tắc, trong đó có quy định mỗi bữa ăn của vua phải đủ 120 món. Các phi tần cũng xa xỉ không kém khi bữa ăn của Hoàng hậu là 96 món, Hoàng phi là 64 món.

Chỉ dùng 2 bữa chính mỗi ngày, Hoàng đế Thanh triều vẫn tốn tới ngàn lạng bạc cho chuyện ăn uống.

Năm xưa, hoàng thất Thanh triều đều là Mãn tộc vùng Đông Bắc. Sau khi nhập quan, thói quen dùng bữa của họ vẫn giống tập quán truyền lại từ tổ tiên. Cũng bởi vậy mà các Hoàng đế nhà Thanh mỗi ngày chỉ ăn hai bữa chính. Bữa sáng của họ sẽ diễn ra trong khoảng từ 6 giờ đến 8 giờ sáng. Bữa chiều sẽ được phục vụ trong khoảng từ 12 giờ trưa tới 2 giờ chiều.

Sau khi dùng bữa sáng, Hoàng đế sẽ ăn thêm điểm tâm. Thời gian ăn bữa phụ này cũng không cố định. Nếu như Hoàng đế nhất thời muốn ăn món gì, Ngự thiện phòng sẽ phải lập tức chế biến và trình lên. Bởi vậy mà những đầu bếp nơi hoàng cung lúc nào cũng luôn phải túc trực trong trạng thái sẵn sàng.

Thông thường, Ngự Thiện Phòng của Hoàng đế gồm hơn 100 người phục vụ. Họ đều là những đầu bếp bậc thầy trên khắp cả nước, được đào tạo các kỹ năng nấu nướng đủ sơn hào hải vị.

Dù nhà Thanh quy định bữa ăn của Hoàng đế phải đủ 120 món, nhưng một số Hoàng đế như Khang Hy, Ung Chính đã chủ động giảm số lượng các món trong một bữa để tiết kiệm ngân khố. Nhưng tới khi Từ Hy thái hậu lên nắm quyền, mỗi bữa ăn 120 món sẽ không được giảm món nào.

Đối với những Hoàng đế Thanh triều nói riêng, thứ họ coi trọng hơn cả không phải là hương vị hay mức độ quý giá của món ăn mà lại là tính an toàn. Quá trình thử độc cho nhà vua trước mỗi bữa ăn mới thực sự là bước cầu kỳ và tốn kém.

Dựa theo gia pháp được truyền lại từ khi lập quốc, các vua nhà Thanh mỗi khi dùng bữa sẽ chỉ lưu lại bên người 4 cung nhân chuyên phục vụ. Trong số đó, sẽ có một thái giám lớn tuổi chịu trách nhiệm gắp thức ăn cho nhà vua.

Trước khi Thiên tử dùng bữa, thái giám này sẽ phải thử độc cho tất cả các món ăn, sau đó lại đích thân ăn thử để kiểm nghiệm rồi mới dâng lên để nhà vua thưởng thức.

Hoàng đế nhà Thanh cho nấu 120 món chỉ bằng nguồn nước núi Ngọc Tuyền, vậy nó có gì đặc biệt? - Ảnh 2.

Đồ dùng, nguyên liệu trong bữa ăn dành cho vua đều phải cao cấp, thượng hạng.

Các nguyên liệu để nấu ăn trong hoàng cung đều phải tươi ngon, cao cấp nhất. Các nguyên liệu vận chuyển vào cung, đặc biệt là gạo đều phải có nguồn gốc rõ ràng. Bát đĩa đựng thức ăn cho Hoàng đế đều là đĩa vàng chén bạc. Cụ thể, món canh hay súp phải được để trong chén sâu lòng có đậy nắp bạc, bát được dát bạc, thìa ngọc bích… Do đó, việc ăn uống trong hoàng cung tốn kém cũng là điều dễ hiểu.

Trong hoàng cung, đầu bếp phục vụ cho vua sẽ được tuyển chọn kỹ càng. Các phi tần cũng thường có những đầu bếp “ruột” của mình. Ngự thiện phòng trong hoàng cung lên tới hàng trăm, hàng nghìn người, thậm chí với một món đậu phụ thôi cũng có tới 3-4 đầu bếp. Ngoài việc ăn uống trong hoàng cung, mỗi lần Hoàng đế ra ngoài đều đem theo bên mình 2-3 đầu bếp hoặc thuê các đầu bếp ở địa phương để chuẩn bị một bàn ăn đúng quy tắc.

Không chỉ đồ ăn cần phải tinh tế, nước mà vua dùng cũng phải là nguồn nước tươi mát nhất. Mặc dù trong Tử Cấm Thành có gần 100 miệng giếng nhưng tuyệt nhiên không ai dùng nước ở đây.

Thời vua Càn Long, để tìm ra nguồn nước tốt nhất, ngự thiện phòng đã vất vả đi tìm ở khắp nơi và sau đó tìm ra nguồn nước nằm ở núi Ngọc Tuyền. Kể từ đó, mỗi ngày đều có người tới đây lấy nước về cho vua dùng và dù đi đến bất cứ đâu, quân lính của Càn Long đều phải đem theo nước ở núi Ngọc Tuyền.

Sự xa xỉ về việc ăn uống ở thời nhà Thanh còn được vị Hoàng đế cuối cùng của Thanh triều là Phổ Nghi ghi trong một cuốn sách viết về cuộc đời mình rằng: “Không có gì phô trương, xa xỉ bằng việc ăn uống“. Thậm chí, sự xa xỉ này còn được cho là một trong những nguyên nhân khiến Thanh triều sụp đổ.

Phần ăn thừa của Hoàng đế được xử lý thế nào?

Với số lượng món ăn quá nhiều trong một bữa, Hoàng đế không thể dùng hết. Bởi vậy, những món chưa dùng tới sẽ dùng để ban thưởng cho các phi tần, đại thần, thái giám… Ở triều đại phong kiến, việc người nhận được Hoàng đế ban tặng đồ ăn xem như một phúc phận lớn. Khi được ban thưởng, người nhận sẽ đứng ở một bàn đặc biệt rồi thưởng thức luôn, đồng thời chứng tỏ đó là món ăn ngon nếu không sẽ phạm tội bất kính với Hoàng đế và bị trừng phạt.

Trong trường hợp nếu Hoàng đế không ban tặng đồ thừa cho ai, các thái giám phải mang trộn lẫn với nhau rồi vứt bỏ. Đây là cách làm nhằm loại trừ khả năng kẻ gian bên ngoài biết được những món người đứng đầu vương triều từng ăn, tránh nguy cơ bị ám sát.