Kích thước chậu đóng vai trò rất lớn đến sự sinh trưởng và phát triển của cây lưỡi hổ.

Lưỡi hổ là một trong những cây cảnh được nhiều người trồng trong nhà. Không chỉ có ý nghĩa phong thủy mang tài lộc, may mắn cho gia chủ, xua đuổi tà ma mà lưỡi hổ còn có ác dụng thanh lọc không khí, hấp thụ khí độc hại.

Tuy là loại cây phong thủy phổ biến nhưng không phải ai cũng biết cây lưỡi hổ nên trồng trong chậu nhỏ hay chậu to.

Thực ra, chậu trồng cây lưỡi hổ trong nhà không được quá lớn. Sở dĩ như vậy vì môi trường trong nhà tương đối kín gió, tốc độ thoát hơi nước khá chậm. Lúc này nếu trồng trong chậu to thì hơi nước sẽ không thoát ra được, lượng nước dư thừa tích tụ trong chậu sẽ khiến rễ bị thối.

cây lưỡi hổ, lưỡi hổ, chậu cây lưỡi hổ

Cây lưỡi hổ nên trồng ở những chậu nhỏ sẽ tốt hơn.

Chậu càng lớn cây lưỡi hổ càng kém phát triển, thậm chí dễ chết cây vì bị thối rễ. Vì vậy, cây lưỡi hổ trồng trong chậu nhỏ là thích hợp nhất. Các loại cây xanh khác trồng trong nhà như lan chi, trầu bà,… cũng vậy.

Nếu trồng trong chậu cao, dưới đáy chậu bạn nên lót thêm một số nguyên vật liệu như xốp, xỉ than, gạch vụn,… để tăng cường khả năng thoát nước của đất. Ngoài ra, để cây lưỡi hổ phát triển tốt, cành lá cứng cáp, dễ đâm chồi nảy lộc và ra hoa thì bạn cần chú ý thêm những yếu tố sau:

cây lưỡi hổ, lưỡi hổ, chậu cây lưỡi hổ

Nếu trồng lưỡi hổ trong chậu cao, dưới đáy chậu bạn nên lót thêm một số nguyên vật liệu như xốp, xỉ than, gạch vụn.

– Thường xuyên xới đất

Loài cây này thích đất tơi xốp, thoáng khí, dễ thoát nước khi đó cây sẽ dễ hấp thụ chất dinh dưỡng và phát triển tốt hơn. Nếu đất bị nén chặt, khả năng hấp thụ của cây sẽ kém, lá sẽ vàng và thối, ảnh hưởng đến sự phát triển của cây.

Do đó, bạn nên thường xuyên xới đất cho cây. Ngoài ra, cách này còn kích thích cây dễ mọc lên chồi mới.

– Bổ sung dưỡng chất

Cây lưỡi hổ cần được đáp ứng đầy đủ chất dinh dưỡng trong thời kỳ sinh trưởng, nếu không bón phân thì cây sẽ còi cọc và tình trạng ngày càng xấu đi. Vì vậy bạn nên thường xuyên bón thêm một số loại phân hỗn hợp có hàm lượng đạm, lân, kali cân đối cho cây.

Thông thường, mỗi tháng bón một lần là được. Lưu ý, không nên bón phân đậm đặc để tránh gây cháy rễ.

cây lưỡi hổ, lưỡi hổ, chậu cây lưỡi hổ

– Kiểm soát chặt chẽ lượng nước tưới

Lưỡi hổ chịu hạn rất tốt, không cần nhiều nước nên bạn không cần tưới nước thường xuyên để tránh đọng nước và thối rễ. Tốt nhất nên đợi đất khô rồi hẵng tưới nước.

Ngoài ra, nên giữ môi trường thông thoáng thì cây sẽ phát triển tốt hơn. Khi không khí hanh khô, có thể lau lá bằng khăn ẩm sạch để giữ lá đẹp và sáng bóng, căng đầy sức sống.

– Không để cây tiếp xúc với ánh nắng gay gắt

Cây lưỡi hổ sẽ phát triển tốt hơn trong điều kiện bóng râm, ánh sáng tán xạ vì nhu cầu về ánh sáng của cây không cao. Bạn không nên để cây tiếp xúc với ánh nắng gay gắt, nếu không cây dễ bị cháy lá, vàng lá và èo uột, kém sức sống.