Theo Bí thư Tỉnh ủy Yên Bái, việc tuyển dụng có ưu đãi cho giáo viên Tiếng Anh, Tin học ở các trường với mức 100 triệu đồng/giáo viên nhưng vẫn không tuyển mới được giáo viên nào.

Yên Bái thiếu giáo viên dù có nhiều ưu đãi, Hà Nội đề xuất tăng thêm trường lớp

Chiều 18/8, Bộ GDĐT tổ chức Hội nghị tổng kết năm học 2022-2023, triển khai nhiệm vụ năm học 2023-2024 toàn ngành. Hội nghị được tổ chức theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến. Điểm cầu trung ương tại Trung tâm Hội nghị Quốc tế, Hà Nội, các điểm cầu địa phương đặt tại 63 tỉnh/thành phố.

Tại Hội nghị, Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Yên Bái Đỗ Đức Duy thông tin về nhiệm vụ năm học 2022-2023 và kế hoạch cho năm học sắp tới. Trong đó, Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Yên Bái nêu thực trạng về việc ngành giáo dục thiếu nhiều giáo viên, khó tuyển dụng giáo viên, nhất là ở địa bàn khó khăn mặc dù đã có chính sách thu hút, hỗ trợ.

Một tỉnh tặng ngay 100 triệu đồng/người để thu hút giáo viên về dạy  - Ảnh 1.

Ông Đỗ Đức Duy, Bí thư Tỉnh ủy Yên Bái đề nghị Chính phủ tiếp tục quan tâm, giao bổ sung biên chế giáo viên cho tỉnh đảm bảo đủ định mức theo quy định. Ảnh: Bộ GDĐT

“Tỉnh Yên Bái hiện có tổng số giáo viên mới chỉ đạt 86,5% so với định mức. Tính từ đầu năm 2021 đến nay, tỉnh tổ chức nhiều đợt tuyển dụng, bình quân mỗi năm 2 đợt với tổng 2.532 chỉ tiêu. Thế nhưng số đăng ký chỉ 1.359 ứng viên (chiếm 53,7%), số trúng tuyển là 726 giáo viên (chiếm 53,4% số người dự tuyển, chiếm 28,7% tổng số chỉ tiêu cần tuyển).

Đặc biệt, việc tuyển dụng có ưu đãi cho giáo viên Tiếng Anh, Tin học ở các trường vùng cao với mức 100 triệu/giáo viên nhưng vẫn không tuyển mới được giáo viên nào”, Bí thư Tỉnh ủy Đỗ Đức Duy cho hay.

Ngoài vấn đề thiếu giáo viên, các thiết bị dạy học cũng thiếu, nhất là các thiết bị dạy học hiện đại phục vụ chương trình giáo dục phổ thông 2018. Chính sách đặc thù đối với giáo viên, nhân viên, học sinh tại các trường thuộc địa bàn thành phố khó khăn, trường phổ thông dân tộc nội trú, bán trú đang có nhiều bất cập nhưng chưa được sửa đổi bổ sung.

Là địa phương có quy mô giáo dục lớn nhất cả nước, bà Vũ Thu Hà, Phó Chủ tịch UBND TP.Hà Nội chia sẻ về việc thiếu trường lớp. Năm học 2022-2023, toàn thành phố có khoảng 2.870 trường mầm non, phổ thông và Trung tâm Giáo dục thường xuyên với gần 2,2 triệu học sinh.

Công tác giáo dục của Hà Nội đã đạt được nhiều kết quả tích cực, ngành giáo dục Thủ đô đề xuất một số vấn đề cần tháo gỡ trong thời gian tới. Trong đó, Thủ đô đang có tình trạng tăng dân số cơ học cao. Mỗi năm, dân số tăng từ 50.000 – 60.000 học sinh, tương đương cần xây mới 30 – 40 trường học.

Tuy nhiên, một số quận nội thành hiện không còn quỹ đất. Để đáp ứng chuẩn xây dựng trường học, Hà Nội đề nghị các cấp xem xét cho phép sử dụng chỉ tiêu diện tích sử dụng trên đầu học sinh thay thế cho chỉ tiêu diện tích đất trên học sinh. Chính phủ cho phép Hà Nội được nâng tầng với các khối nhà xây dựng, đồng thời, cho phép Hà Nội xây tầng hầm cho nhà trường ở quận nội thành để khai thác quỹ đất hiệu quả.

Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ GDĐT Nguyễn Kim Sơn nhận định, năm học 2022 – 2023 là năm học nhiều khó khăn và thách thức với ngành Giáo dục, khi vừa phải tiếp tục cùng cả nước khắc phục, nỗ lực vượt qua khó khăn do hậu quả của đại dịch Covid-19, vừa phải củng cố, nâng cao chất lượng các hoạt động GD-ĐT; năm học đầu tiên ngành Giáo dục triển khai tổ chức dạy học môn Tiếng Anh, Tin học theo Chương trình Giáo dục dục phổ thông (GDPT) 2018 đối với lớp 3 và triển khai Chương trình GDPT đối với cấp THPT.

Một tỉnh tặng ngay 100 triệu đồng/người để thu hút giáo viên về dạy  - Ảnh 2.

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn. Ảnh: Bộ GDĐT

Song theo Bộ trưởng, việc triển khai thực hiện kế hoạch năm học 2022 – 2023 vẫn còn một số tồn tại, hạn chế như: Tình trạng thiếu giáo viên; tình trạng thiếu trường lớp, quá tải tại các trường học tại các thành phố lớn, các khu đông dân cư. Công tác hỗ trợ, tư vấn tâm lý, kỹ năng phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em, học sinh còn chưa thực sự hiệu quả.

Tình trạng bạo lực học đường, mất an toàn vệ sinh thực phẩm trong trường học vẫn còn xảy ra gây bức xúc trong dư luận. Và vẫn còn thách thức, khó khăn khác cần tiếp tục nhận diện, có giải pháp phù hợp để khắc phục và phát triển trong thời gian sắp tới.

Một tỉnh tặng ngay 100 triệu đồng/người để thu hút giáo viên về dạy  - Ảnh 3.